Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Tin hoạt động của xã

Về với Tân Hoà thăm quan HTX nuôi hươu CCB Trọng Hùng

27-12-2023

Hợp tác xã nuôi hươu của Hội Cựu chiến binh Trọng Hùng Tân Hòa tại xóm Tè, Tân Hoà, huyện Phú Bình thành lập năm 8/2017, hiện có 33 thành viên, trong đó hầu hết là những cựu chiến binh. HTX Trọng Hùng Tân Hòa đang nuôi hơn 230 con hươu. Mỗi con hươu cho thu nhập từ 12 - 14 triệu đồng mỗi lần lấy nhung, nhờ đó hoanh thu toàn HTX lên tới 3 tỷ đồng/năm. HTX chọn nuôi hươu bởi hươu có nhiều ưu điểm, ít bị bệnh, dễ nuôi, người dân chủ động được nguồn thức ăn sẵn có, không tốn nhiều công chăn sóc. Thời gian nuôi hươu để lấy nhung tốt nhất là 5 năm, khi đó nhung hươu sẽ đạt trọng lượng tối đa khoảng 8 lạng. Giá nhung năm nay dao động từ 15 -20 triệu đồng/kg. Nhung chủ yếu lên vào mùa xuân và được thu hoạch vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm. Với hơn 90% thành viên là cựu chiến binh, HTX Trọng Hùng Tân Hòa luôn phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ” trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Với đức tính kỷ luật của người lính, các thành viên HTX luôn thực hiện chặt chẽ quy trình sản xuất, không sử dụng chất kích thích tăng trưởng, thu nhung hươu đúng quy trình, đảm bảo chất lượng tốt nhất... Cao hươu, nhung hươu, thịt hươu sấy, mật ong, rượu... là các sản phẩm chủ lực của HTX. Trong đó, cao hươu và thịt hươu sấy đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Nhiều năm liền, HTX Trọng Hùng Tân Hòa nhận được bằng khen của UBND tỉnh Thái Nguyên nhờ thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất.

Hội nghị xin ý kiến cộng đồng dân cư về nội dung đồ án quy hoạch chi tiết Khu tái định cư Tân Hoà 1, tái định cư Tân Hoà 2.

25-12-2023

Sáng ngày 25/12/2023. UBND xã Tân Hoà phối hợp với BQL Dự án đầu tư xây dựng huyện Phú Bình, công ty Cổ phần Kiến trúc Quốc tế Times Mirror tổ chức hội nghị xin ý kiến cộng đồng dân cư về nội dung đồ án quy hoạch chi tiết Khu tái định cư Tân Hoà 1, tái định cư Tân Hoà 2. Để góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội của huyện Phú Bình, cũng như góp phần giải bài toán về sử dụng đất, tái định cư cho nhân dân địa phương cùng đồng hành và phát triển. Việc quy hoạch chi tiết Khu tái định cư Tân Hoà 1, tái định cư Tân Hoà 2 là hết sức cần thiết nhằm mục tiêu trước mắt giải quyết tái định cư cho các hộ dân địa phương, định hướng tạo thuận lợi cho chủ trương kêu gọi đầu tư phát triển huyện Phú Bình. Tại hội nghị xin ý kiến cá nhân, tổ chức, cộng đồng dân cư xây dựng đồ án quy hoạch chi tiết Khu tái định cư Tân Hòa 1: có 61/74 phiếu đồng ý bằng 82,43%, Khu tái định Hòa 2 có 67/69 phiếu đồng ý bằng 97,1%, tổng hai khu có 14 phiếu không đồng ý lý do đều không nhất trí thu hồi đất ở.

Đảng ủy xã Tân Hoà tổng kết công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và phong trào thi đua yêu nước năm 2023 và triển khai nhiệm vụ chính trị năm 2024

20-12-2023

Ngày 19/12, Đảng ủy xã Tân Hoà tổng kết công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và phong trào thi đua yêu nước năm 2023 và triển khai nhiệm vụ chính trị năm 2024. Tới dự có đồng chí Nguyễn Văn Định - UV BTV Huyện uỷ - Phó Chủ tịch HĐND huyện, cùng các đ/c trong các Ban Xây dựng Đảng, lãnh đạo UBND huyện Phú Bình, lãnh đạo phòng Nội vụ huyện Phú Bình. Theo báo cáo, năm 2023 là năm Đảng bộ xã Tân Hoà đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị trong điều kiện thuận lợi: tình hình kinh tế, xã hội tiếp tục được duy trì và phát triển, hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Thu nhập bình quân đầu người: 69 triệu đồng/người/năm, đạt 100% KH; Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ: 28 tỷ đồng,bằng 112 % Kh; Tổng thu ngân sách xã ước đạt: 276 triệu đồng, đạt 139,3% KH, %; Tổng sản lượng lương thực cây có hạt 5.099 tấn, bằng 100,83% KH, sản lượng thị hơi xuất chuồng 2.560 tấn, bằng 103,92% KH; giảm tỷ lệ hộ nghèo 2,1%, bằng 300% KH; Tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế đạt 94,75%, đạt 100,79% KH; Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 100,4% KH;Tỷ lệ khu dân cư văn hoá: 100% đạt 106,8% KH. Công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân được thực hiện tốt; Công tác tổ chức cán bộ và xây dựng Đảng được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo khách quan, dân chủ trong công tác quản lý, đánh giá, sử dụng cán bộ. Đảng bộ xã đã thực hiện kiện toàn một số chức danh cán bộ: Chức danh Phó Bí thư - Chủ tịch UBND xã; Phó Chủ tịch UBND xã; Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã đảm bảo đúng quy trình, quy định, đạt kết quả cao thể hiện tinh thần, đoàn kết, thống nhất cao trong tập thể BTV Đảng uỷ, BCH Đảng bộ xã. Trong năm xã làm tốt công tác trao tặng, truy tặng Huy hiệu Đảng theo quy định cho 09 đồng chí và kết nạp mới 11 đảng viên; tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát theo chương trình, kế hoạch đề ra. Hoạt động của HĐND- UBND, MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội thực hiện có hiệu quả. Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích những tồn tại, hạn chế và những kết quả đã đạt được trong năm 2023, thống nhất phương hướng nhiệm vụ năm 2024. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Định-UV BTV Huyện ủy- Phó Chủ tịch HĐND huyện đã ghi nhận, biểu dương những kết quả mà Đảng bộ xã Tân Hoà đã đạt được trong năm 2023, Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề của Đảng các cấp, thực hiện nghiêm túc việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng cấp trên. Xây dựng Đảng bộ, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể đạt HTXSNV năm 2024. Tại hội nghị, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023 đã được khen thưởng.

Về Tân Hoà vãn cảnh Chùa Khánh Long

15-12-2023

Chùa Khánh Long xưa kia được người dân trong vùng gọi là chùa Làng Ngò, nằm cách thành phố Thái Nguyên khoảng 33km, cách thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình 3km và cách Đền – Đình – chùa Cầu Muối khoảng 7km. Chùa tọa lạc trên quả đồi cao với diện tích 2,5ha thuộc xóm Ngò, xã Tân Hòa, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Trong hành trình đi lễ cầu an ngày rằm tháng 7 tại Đền – Đình – Chùa Cầu Muối, tôi có dịp ghé thăm chùa Khánh Long. Ngay từ cổng vào, tôi đã rất ngỡ ngàng về kiến trúc và cảnh quan của ngôi chùa. Chùa được xây dựng chủ đạo bằng đá trong một khuôn viên khép kín theo kiến trúc chùa cổ bao gồm: Tam quan, Tam bảo, lầu chuông, lầu trống, nhà thờ tổ, nhà thờ mẫu, nhà khách, vườn lộc uyển… tất cả tạo cho nơi đây một không gian đầy tĩnh lặng và tôn nghiêm. Cổng tam quan được xây dựng khá quy mô, phía trước là 4 bức tượng Tứ Thiên Vương, đây là những vị hộ pháp bảo vệ chùa. Qua cổng tam quan là khoảng sân rộng, hai bên có 18 bức tượng la hán. Mỗi vị có những nét riêng về hình dáng và hạnh nguyện. Tiếp đến là chính điện Tam bảo, nơi đây luôn rợp bóng mát bởi những cây si, cây xà cừ cổ thụ, tạo cảm giác mát mẻ trong những ngày hè oi bức. Ngay trước chính điện là tượng phật di lặc được làm bằng đá non nước của Đà Nẵng, qua những bàn tay khéo léo của những người thợ đến từ Ninh Bình đã tạc bức tượng với nụ cười hoan hỉ, niềm nở đón tiếp mọi người đến với phật pháp. Bên trái ngôi Tam Bảo là lầu trống, cạnh đó là bức tranh đá khắc họa đức phật thích ca mâu ni nhập niết bàn, hai đầu bức tranh là những tấm bia ghi lại lời dạy cuối cùng của đức phật và đạo phật trước khi nhập niết bàn. Bên phải ngôi Tam bảo là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát tay cầm bình nước cam lồ, tiếp đó là lầu chuông và tấm bia lưu danh công đức xây dựng chùa Khánh Long, kế bên là bức tranh nhân quả ba đời được làm bằng đá nhắc nhở mỗi chúng ta bằng những câu chuyện kể, tranh vẽ mang tính ước lệ, tựu trung là "ở hiền gặp lành, làm ác gặp ác", hướng con người đến lối sống tốt đẹp, trọng nhân nghĩa, xã hội văn minh. Đặc biệt, trong khuôn viên của chùa còn có vườn lộc uyển và công trình ao di đà được bao quanh là hàng rào làm bằng đá. Qua trao đổi với Đại đức Thích Chúc Tiếp, trụ trì chùa Khánh Long được biết: Ngôi chùa có tuổi đời hàng trăm năm tuổi. Trước kia, đây chỉ là một ngôi chùa làng rất nhỏ, là nơi để người dân trong làng thường lui tới thắp hương vào những ngày rằm và mùng một hàng tháng. Đến năm 2018, một người con trong làng đi làm ăn xa về và nghĩ tới nơi ngày xưa mình đã nương tựa, chính vì vậy ông đã kêu gọi bạn bè cùng phát tâm công đức để xây dựng lại ngôi chùa. Năm 2019, Ban trị sự Phật giáo tỉnh Thái Nguyên đã cung tự thầy Thích Chúc Tiếp về trụ trì chùa. Từ đó, thầy cùng bà con trong làng trùng tu, sửa chữa, đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành giai đoạn 1 gồm: Cổng tam quan, ngôi Tam bảo, lầu chuông, lầu trống, nhà thờ tổ, nhà thờ mẫu, nhà khách. Dự kiến cuối năm 2021 tiếp tục xây dựng giai đoạn 2 gồm: Bảo tháp, nhà thờ tổ và giảng đường. Chùa Khánh Long nằm trên trục đường vào Đình – Đền – Chùa Cầu Muối, do đó đây sẽ là một chuỗi những điểm đến về tâm linh hấp dẫn du khách trên địa bàn huyện Phú Bình nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung./.

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 226005